Tình hình thời tiết, khí hậu và thủy văn cuối năm 2009, đầu năm 2010 ở nước ta diễn biến hết sức bất thường, khác hoàn toàn với quy luật nhiều năm, gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng, kéo dài trên phạm vi cả nước. Lưu lượng nước về các hồ đầu năm 2010 chỉ đạt từ 60 đến 70% mức trung bình nhiều năm

(TBNN), làm giảm đáng kể sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện. Ðiều này đang tạo nên áp lực rất lớn đối với ngành điện trong việc cung cấp đủ nguồn điện ổn định và an toàn cho mùa khô năm nay. Năm 2009, 64 trạm đo tổng lượng mưa tại Bắc Bộ chỉ đạt 83% lượng mưa hằng năm (từ tháng 6 đến tháng 10 chỉ đạt 77% và đặc biệt tháng 11, 12-2009 chỉ đạt 30% TBNN). Lưu lượng nước về các hồ thủy điện phía bắc trong mùa lũ và thời gian sau mùa lũ năm 2009 giảm mạnh so với TBNN và ở mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử, khiến cho các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đều không thể tích nước đầy hồ vào cuối năm. Lưu lượng nước về các hồ đầu năm 2010 chỉ đạt từ 60 đến 70% TBNN, làm giảm đáng kể sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện. Tổng lượng nước thiếu hụt so với năm 2009 tương đương 500 triệu kW giờ điện.

Theo tính toán của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), để bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, không để xảy ra những sự cố lớn gây mất điện trên diện rộng, sản lượng phát điện tối đa trung bình ngày toàn hệ thống trong các tháng 4, 5, 6-2010 chỉ đạt mức 270, 275 và 285 triệu kW giờ/ngày, như vậy, mức thiếu hụt điện năng của hệ thống điện quốc gia có thể lên 10 đến 15 triệu kW giờ/ngày. Tính đến hết tháng 3-2010, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện và nhập khẩu điện của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 18.400 MW, tổng công suất khả dụng toàn hệ thống đạt 16.500 đến 16.800 MW, cơ bản đáp ứng được công suất cực đại hệ thống. Ngoài nhiệm vụ sản xuất điện, trong ba tháng đầu năm 2010, các nhà máy thủy điện đã thực hiện bốn đợt xả nước cho các địa phương vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, với hơn 3,5 tỷ m3 nước để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2009-2010 cho khoảng 617 nghìn ha. Sau các đợt xả nước, hiện mức nước các hồ ở mức rất thấp, nhưng do hạn hán kéo dài, có khả năng, EVN sẽ phải xả thêm một đợt nữa.

Theo EVN, tiêu thụ điện toàn quốc quý I-2010 tăng 22% so cùng kỳ năm 2009. Lũy kế ba tháng đầu năm 2010 điện thương phẩm ước thực hiện 18,512 tỷ kW giờ, tăng 19,68% so cùng kỳ năm trước. Trong đó điện cấp cho quản lý và tiêu dùng tăng 10,3%; điện cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 25,5%, là yếu tố chính chi phối mức tăng trưởng phụ tải. Mức tăng sử dụng điện tập trung ở nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cán thép, gia công cơ khí. Quý I-2010 có thêm 77 khách hàng công nghiệp lớn đi vào hoạt động, với tổng lượng tiêu thụ 450 MW gồm các dây chuyền xi-măng, thép... Nhu cầu điện quý II-2010 tiếp tục tăng ở mức cao, dự báo từ 285 đến 300 triệu kW giờ/ngày, với công suất cực đại hệ thống lên xấp xỉ 16.000 MW, sản lượng điện dự kiến 26 tỷ kW giờ.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương (TTDBKTTVT.Ư), En Ni-nô còn kéo dài tới tháng 5-2010. Trong các tháng còn lại của mùa khô, nền nhiệt độ toàn quốc cao hơn TBNN, lượng mưa thấp hơn TBNN, dòng chảy trên các sông ở Bắc Bộ tiếp tục ở mức rất thấp và thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 30-50%, tình hình khô hạn, thiếu nước tiếp tục xảy ra và lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, lũ tiểu mãn năm 2010 ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc loại nhỏ và có khả năng muộn hơn. Từ nay đến cuối mùa khô, để tránh mực nước các hồ sụt giảm và về mực nước chết quá nhanh trước mùa lũ, ảnh hưởng thiết bị và công trình đầu mối, sản lượng của 20 nhà máy thủy điện lớn trong hệ thống (có tổng công suất 6.200 MW) phải được khống chế không quá 50 triệu kW giờ/ngày, tương đương vận hành đầy tải 8 giờ/ngày, thấp hơn nhiều so năng lực. Với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình,  sản lượng chỉ khoảng 10 triệu kW giờ/ngày, Thủy điện Tuyên Quang không quá 400.000 kW giờ/ngày. Phó Giám đốc TTDBKTTVT.Ư Nguyễn Lan Châu cho biết, năm 2009, nhận thấy thời tiết diễn biến phức tạp, trung tâm đã kiến nghị ngành điện sớm tích nước các hồ thủy điện ngay từ ngày 10-8 chứ không đợi đến 25-8, nhưng cũng không tích đủ nước do thời tiết khô hạn.

Trước tình hình căng thẳng trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương liên tục  chỉ đạo EVN tìm các giải pháp bảo đảm đủ nguồn điện cho mùa khô năm 2010, trong đó tập trung huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trưng dụng các tổ máy nhiệt điện than mới còn đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc nghiệm thu để phát điện ở mức cao nhất, giảm thiểu lượng điện thiếu hụt; ưu tiên cấp điện cho các sự kiện chính trị quan trọng năm 2010, các cơ sở dân sinh quan trọng (bệnh viện, nhà máy nước...) và các doanh nghiệp sản xuất quan trọng, phục vụ hàng xuất khẩu; thực hiện điều tiết giảm điện theo nguyên tắc luân phiên, công bằng. Năm 2009, tổng công suất các nguồn điện mới đưa vào vận hành đạt 2.540 MW, năm nay, EVN đang nỗ lực đưa vào vận hành các nhà máy với tổng công suất gần 2.080 MW và khởi công các dự án lớn như nhiệt điện Duyên Hải 1, Nghi Sơn 1, Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2, thủy điện Lai Châu và Sông Bung 4. Phó Tổng giám đốc EVN Ðặng Hoàng An cho biết, từ cuối năm 2009, ngay sau mùa mưa, để tiết kiệm nguồn nước cho phát điện mùa khô, EVN đã vận hành những nguồn điện đốt dầu FO, DO, khiến chi phí đội giá từ 4.000 đến 5.000 đồng/kW giờ. Chỉ tính riêng vận hành các nguồn điện khác để tích nước cho hồ Hòa Bình, EVN phải chi 2.000 tỷ đồng. EVN cũng đã mua điện của đối tác Trung Quốc. Quý I-2010 mua hơn một tỷ kW giờ, năm nay dự kiến mua 4,1 tỷ kW giờ. Tuy nhiên, đối tác Trung Quốc thông báo đề nghị giảm sản lượng bán cho EVN vì lý do phía nam Trung Quốc cũng đang xảy ra tình trạng thiếu điện do khô hạn. EVN cũng chỉ đạo các đơn vị hạn chế hoặc rút ngắn thời gian sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy phát điện, bằng mọi cách bảo đảm thiết bị hoạt động ổn định và an toàn trong lúc cao điểm.

Cùng với các biện pháp trên, việc tiết kiệm điện cũng đang được Chính phủ, Bộ Công thương và EVN quyết liệt thực hiện. Quý I-2010, các đơn vị điện lực đã thực hiện tiết kiệm điện đạt 170 triệu kW giờ, tương đương 0,9% sản lượng điện thương phẩm. Tuy nhiên, ông Ðặng Hoàng An cho rằng, công tác tiết kiệm điện cần phải được tuyên truyền và thực hiện mạnh hơn nữa bởi nhiều nơi, việc chiếu sáng công cộng, sử dụng điều hòa các công sở, sử dụng điện ở các hộ gia đình còn lãng phí. Gần đây, EVN đã chỉ thị các đơn vị điện lực kiến nghị đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng cần có sự điều chỉnh phù hợp thời tiết và giao thông địa bàn, phấn đấu cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng, đồng thời phải kiểm tra các hệ thống chiếu sáng quảng cáo tấm lớn trong thành phố, dọc các tuyến giao thông chính bởi nhiều nơi lãng phí điện, chiếu sáng suốt cả đêm là không cần thiết. EVN đang đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền sử dụng các loại đèn compact tiết kiệm điện, bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời... Việc đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn cũng là một biện pháp quan trọng bởi năm 2009, tỷ lệ tổn thất chung trên toàn bộ lưới điện mới tiếp nhận là 25,17%, tương đương 529 triệu kW giờ. Các công ty điện lực đang phấn đấu kiên quyết áp dụng các giải pháp kinh doanh, quản lý kỹ thuật, đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện, phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất chung trên lưới điện nông thôn khu vực tiếp nhận xuống 15% cuối năm nay. Về lâu dài, Bộ Công thương đang phối hợp ngành điện nghiên cứu áp dụng những quy chuẩn để quản lý định mức tiêu hao điện năng các dây chuyền thiết bị để khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tiêu hao ít năng lượng.

nhan dan



[Trở về]